Sau khi rời thác K50 chúng tôi tiếp tục hành trình theo dọc đường Trường Sơn Đông hướng từ Kbang đi Quảng Nam, đi khoảng 50km là đến ngã tư xã Hiếu chúng tôi rẽ về bên trái theo quốc lộ 24 hướng về khu du lịch Măng Đen và thành phố Kon Tum. Để đến được Măng Đen thì cần đi qua một con đèo nhỏ dài hơn 10km, đường đã được sửa chữa khang trang rất dễ đi.
Ngã tư xã Hiếu
Quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi và Kon Tum sắp hoàn thiện
Rừng thông xanh dọc đường từ đỉnh đèo
Thị trấn Măng Đen
Đi đến thị trấn Măng Đen, chúng tôi tìm đến khu du lịch sinh thái thác Phú Sỹ, ở đây không khí rất mát mẻ, nhiều loài hoa thuộc khí hậu Đà Lạt cũng được trồng ở nơi này.
Hoa cẩm tú cầu
Hoa tím
Ở đây còn có hoa anh đào và chúng thưởng nở rộ vào mùa xuân.
Trong khu du lịch sinh thái có đầy đủ mọi thứ như đồ ăn, thức uống, quán cafe và chòi riêng cho nhóm nhỏ. Sau khi đảo quanh một vòng chúng tôi tìm chỗ mát nghỉ chân và mua một ống cơm lam + một miếng thịt heo quay. Các mặt hàng ở đây đều có bảng giá sẵn để mọi người tham khảo, một ống cơm lam 20k + 1 miếng heo quay 75k.
Quán cà phê trong khu du lịch thác Pa Sỹ
Các món ăn trong khu du lịch
Chòi nghỉ mát
Phần đồ ăn của chúng tôi
Sau khi ăn uống nghỉ ngơi, chúng tôi tiếp tục di chuyển về thành phố Kon Tum, đoạn đường này khoảng 50km, thời gian di chuyển tầm một giờ đồng hồ.
Di chuyển đến Kon Tum
Đèo Măng Đen
Khi đến thành phố Kon Tum điều đầu tiên là đi tìm khách sạn có giá phải chăng, vì Kon Tum không quá phát triển về du lịch nên số lượng nhà nghỉ, khách sạn cũng không nhiều nên thường có giá cao. Chúng tôi tìm được một khách sạn ở trung tâm thành phố với giá 200k/đêm giành cho hai người.
Sau khi nhận phòng, tắm rửa và vệ sinh xong thì trời cũng đã tối, chúng tôi quyết định dạo bộ để tìm quán ăn tối, phải đi bộ một quãng đường cũng khá xa mới thấy quán ăn, chúng tôi gọi một tô bún thịt nướng và một tô mì quảng, cả 2 đồng giá 30k. Sau khi ăn tối xong thì lại dạo bộ tiếp và đi về khách sạn nghỉ lấy sức ngày hôm sau khi tham quan thành phố.
Bún thịt nướng đầy ắp
Mì quảng
Thức dậy sau một đêm ngủ thả ga chúng tôi đi ăn sáng và không quên chọn một món đặc sản mà nghe bảo ai đến Kon Tum cũng nên thử đó là xôi măng cá.
Xôi măng cá là loại xôi được ăn kèm với cá nục kho măng le. Xôi được nấu vừa ăn dẻo và không nhão, cá kho măng có một chút vị mặn, cá không có mùi hôi còn những sợi măng thì dai dai giòn giòn khó diễn tả đi kèm với vị cay của ớt cay tây nguyên.
Xôi măng Kon Tum
Xôi măng Kon Tum
Thực sự món xôi măng là một món ăn vô cùng độc đáo và chỉ có ở Kon Tum mà thôi nên nếu ai đến đây cũng nên thử món này. Xôi măng ở đây có giá rẻ, chúng tôi gọi 2 đĩa đầy ắp măng và xôi có thêm 2 khúc cá nhưng mỗi đĩa chỉ có giá mười lăm ngàn đồng.
Sau khi ăn sáng xong chúng tôi bắt đầu đi tham quan một số điểm du lịch nổi tiếng ở trung tâm thành phố như Nhà Thờ Gỗ, Nhà rông Kon Klor, cầu Kon Klor, nhà thờ giáo phận Kon Tum.
Nhà thờ gỗ
Nhà rông Kon Klor
Cầu Treo Kon Klor
Nhà Thờ Chính Tòa Giáo Phận Kon Tum | Nhà Thờ Gỗ Kon Tum
Buổi tối chúng tôi ghé và trải nghiệm món ăn đặc sản vô cùng nổi tiếng ở Kon Tum nói riêng và tây nguyên nói chung đó là món gỏi lá. Gỏi lá với gần 60 loại lá mọc trên vùng đất đỏ bazan. Món ăn này mang đậm chất núi rừng khi trong mâm toàn lá là lá. Một số loại lá quên thuộc với người miền xuôi như lá cải cay, lá mơ, lá tía tô, lá canh giới, là hành, lá hẹ, lá rau má….
Gỏi lá Kon Tum
Gỏi lá Kon Tum
Gỏi lá Kon Tum
Gỏi lá như đưa thực khách đến gần hơn với văn hóa ẩm thực của người dân địa phương, khi ăn từ việc chọn lá, lấy thức ăn kèm và cuốn gỏi phải dùng tay mới đúng điệu. Các loại lá đủ vị chua chát ăn kèm thêm với muối hột, hạt tiêu nguyên hạt và ớt cay thóc sau đó được chấm với nước sốt được tạo từ cơm rượu lên men và thịt bằm nhuyễn tạo ra một cảm giác khó diễn tả khi ăn.
Khi ăn gỏi là nên uống bia hoặc nước ngọt có ga là phù hợp nhất. Chúng tôi ăn ở quán Gỏi Lá út cưng, nhà hàng này khá nổi tiếng với món gỏi lá này. Giá một phần gỏi lá là 100 ngàn, nếu ăn không no có thể kêu thêm cơm chiên và các món ăn khác.
Còn tiếp…