Sau khi rời thành phố Kon Tum, chúng tôi di chuyển theo tuyến đường Hồ Chí Minh đi vào nam, có ghé qua thành phố Pleiku tham quan Biển Hồ, đi ăn phở khô Gia Lai, cơm Gà và Bánh Khọt Gia Lai. Sau đó tiếp tục di chuyển đến Tp. Buôn Ma Thuật, ở đây chúng tôi có đi tham quan bảo tàng dân tộc Đắk Lắk, ăn thử món bún đỏ và bánh mướt chồng dĩa.
Biển hồ Pleiku
Biển Hồ
Bánh khọt Gia Lai
Phở khô Gia Lai – Phở hai tô
Bánh ướt chồng dĩa – Buôn Ma Thuật
Bún đỏ Buôn Ma Thuật
Bảo tàng dân tộc Đăk Lắc
Dinh Bảo Đại
Rời Buôn Ma Thuật chúng tôi di chuyển theo quốc lộ 17 đến Đăk Nông, Bình Phước, Bình Dương. Đến Sài Gòn cũng đã xế chiều, Sài Gòn chào đón chúng tôi bằng một cơn mưa lớn, không lâu sau đã thấy ngay đặc sản Sài Gòn, đường xá ngập lụt gần nửa bánh xe máy.
Chúng tôi ở Sài Gòn một thời gian ngắn, sau khi đi chơi thăm hỏi anh em bạn bè, chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến đi tiếp theo qua nước bạn Campuchia và địa điểm đầu tiên là tỉnh Kam Pot. Để đến được Kam Pot – Campuchia thì chúng tôi bắt xe khách (nhà xe Kum Ho) từ bến xe Miền Tây đến bến xe Hà Tiên, giá vé là 290.000/người xe limousine 32 chỗ.
Nhà xe Kum Ho
Quãng đường từ Tp. Hồ Chí Minh đến Hà Tiên dài khoảng hơn 300km và thời gian di chuyển khoảng 8h. Chúng tôi đi chuyến xe lúc 9h30′ tối, đến bến xe Hà Tiên là khoảng năm giờ kém, ở Hà Tiên có xe trung chuyển miễn phí của Kum Ho ra bến tàu và đi cửa khẩu.
Bình minh bến xe Hà Tiên
Vì đến Hà Tiên khá sớm, cửa khẩu chưa mở cửa nên chúng tôi ghé quán nước ngồi đợi trời sáng một chút mới di chuyển lên của khẩu. Buổi sáng ở cửa khẩu có rất nhiều người và xe cộ xếp hàng đi qua biên giới đa phần là người đi làm, đúng 6h sáng là cửa khẩu mở cửa để người và xe vào làm thủ tục.
Cửa khẩu Hà Tiên
Thủ tục hải quan bên Việt Nam rất thuận lợi, đóng dấu và đi qua không mất tiền.
Ở phía Campuchia, khi trình hộ chiếu làm thủ tục xuất nhập cảnh hải quan Campuchia sẽ vòi tiền bạn, chúng tôi bị đòi 100k cho mỗi người (2 người), kì kèo mãi thế là lấy 150k trả lại 50k, sau khi xong thủ tục hải quan thì đi vào phòng y tế gì đó lấy giấy Health Notice thì cũng bị đòi tiền và bảo nãy tiền công an bây giờ tiền bác sĩ, bác sĩ đòi 50k/1người mình đã khước từ mãi không được nên miễn cưỡng đưa nốt 50k lúc nãy cho 2 người (mỗi người 25k).
Cửa khẩu bên Campuchia
Xe cộ đi qua cửa khẩu
Sau khi ra khỏi toà nhà xuất nhập cảnh, ngoài cổng còn một chốt kiểm trả hộ chiếu, họ xem sơ qua sau đó cũng đòi tiền kiểu đưa tiền đây rồi đi, mình kêu tiền gì? Không có tiền gì nha rồi im im đi luôn… Vậy là sau dịch Covid-19 chúng tôi di chuyển qua cửa khẩu Hà Tiên bị hải quan Campuchia thu phế 150k+50k là 200k cho hai người.
Sau khi qua biên giới rồi để di chuyển về Kam Pot có 2 cách là đi xe khách dạng mini van hoặc đi taxi. Taxi 4 chỗ ban đầu ra giá 30$ còn xe bảy chỗ 2 người 10$ những sẽ đợi ghép thêm người khác. Sau khi mặc cả một hồi với taxi 4 chỗ từ 30$ xuống 20$ rồi 15$ thì chúng tôi cũng đồng ý di chuyển về Kam Pot với giá 15$ cho 2 người.
Hình ảnh taxi 4 chỗ
Chụp ké taxi
Đến Kam Pot chúng tôi xin nhận phòng sớm nghỉ ngơi một chút cho đỡ miệt sau đó đi tìm quán cơm trưa. Gần chỗ ở có nhiều quán cơm với thịt gà, vịt, chim quay và may mắn có một quán cơm rang cua rất ngon mà giá cũng khá mềm. Một dĩa cơm rang cua mà nhìn toàn cua là cua có giá khoảng 70k ăn kèm với nước sốt chua cay và dưa leo, còn trà đá thì miễn phí.
Cơm rang cua 70k
Cơm rang ăn kèm dưa leo và muối chua cay, miễn phí trà đá
Kam Pot là một thành phố cổ kính và yên bình, nơi đây dường như được thực dân Pháp xây dựng dưới thời đô hộ, vẫn còn một số cây cầu, toà nhà xây dựng từ thời Pháp thuộc.
Khi đến Kam Pot chúng tôi đi tham quan một số địa điểm tiêu biểu như dòng sông Bokor, chợ đêm Bokor, chợ Kam Pot, vòng xoay sầu riêng và núi Bokor nằm trong vườn quốc gia Phnum Bokor National Park.
Dòng sông Bokor
Chợ đêm Bokor
Bùng binh sầu riêng
Ăn sáng ở chợ Kam Pot, một tô hủ tiếu 6000 Riel
Khí hậu ở Kam Pot rất nóng, nhưng khi đi lên núi Bokor thì không khí lại lạnh giống Đà Lạt, sương mù bay lơ lửng trong không trung. Đứng trên núi Bokor có thể nhìn thấy Hà Tiên ở Việt Nam. Mình sử dụng sim Mobifone chuyển vùng quốc tế khi lên núi Bokor thì vô tình bắt được sóng Mobi từ Việt Nam.
Mây mù dăng kín lối
Tượng bà núi Tà Lơi
Lên núi Bokor bắt được sóng Mobifone từ Việt Nam
Dọc đường lên núi có rất nhiều khỉ nên nếu bạn có dịp lên đây có thể mua trái cây để khi đi lên chia cho lũ khỉ một chút đồ ăn.
Khỉ trong vườn quốc gia
Đến Kam Pot ăn gì?
Kam Pot là thủ phủ sầu riêng của Campuchia, có rất nhiều sạp hàng bán sầu riêng ở trên đường cũng như trong chợ Kam Pot, giá sầu ở đây cũng khác nhau tuy loại và kích thước từ 9000 Riel đến 16.000 Riel, trong chợ người bán nói thách cũng nhiều nên tuỳ loại mà mặc cả. Chúng tôi mua được quả sầu riêng 1,7kg giá 16.000 Riel, đi chợ Kam Pot có thể thử thêm một số đồ ăn như hủ tiều, mì, bánh các loại…
Trên đường phố Kam Pot có rất nhiều đồ ăn vặt và đặc biệt có rất nhiều xe trái cây, nước mía. Các xe bán trái cây không có giá cụ thể tuỳ bạn mua bao nhiêu thì họ sẽ lấy theo số lượng cảm tính (chúng tôi hay mua 4.000 Riel hay 1 đô la) và mình sẽ chọn loại trái cây mình muốn ăn vì xe trái cây rất nhiều loại quả khác nhau. Điều đặc biệt ở các xe trái cây là muối và nước chấm rất ngon rất phong phú như: mắm ruốc, mắm tỏi ớt, mắm ngọt, muối tôm, muối tép khô, muối ớt đường… vô cùng đặc sắc. Tiếp đến là các xe bán gỏi, xiên nướng, mực nướng dọc bờ sông Kam Pot.
Xe đẩy trái cây đủ sắc màu ở Kam Pot
Trái cây với nhiều loại muối khác nhau
Buổi tối, chúng tôi ghé chợ đêm Bokor, ở đây có quầy vui chơi cho trẻ em, có các sạp hàng quần áo, ghế xem ca nhạc, quán ăn mặn và ngọt đủ loại như: cơm chiên, mì xào, gỏi đu đủ đâm, xiên nướng, chè, đá bào, nước ngọt….
Chợ đêm nằm gần cầu Kam Pot và kế bên sông, cảnh vô cùng chill.
Chúng tôi ở Kam Pot 2 đêm, sau đó di chuyển đến đảo Koh Rong.
Còn tiếp…