Được biết đến là thủ đô ngàn năm văn hiến, có lẽ chúng ta khó có thể tìm thấy một nơi nào đặc biệt như Hà Nội – Thăng Long, vừa nên thơ, trữ tình, nhưng cũng không kém phần náo nhiệt, sầm uất. Suốt từng ấy năm lịch sử, dù cuộc sống hiện đại hơn nhưng những giá trị văn hóa của mảnh đất Hà Thành vẫn luôn là thứ không bao giờ đổi thay. Từ những Hồ Hoàn Kiếm, Chùa Một Cột cho đến các quán cóc ven đường, tất cả đều gợi cho du khách những cảm xúc yên bình kì lạ. Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ đem đến cho bạn đọc những kinh nghiệm du lịch Hà Nội mới nhất, được tổng hợp và biên tập bởi Thổ Địa.
Thời gian thích hợp đi du lịch Hà Nội
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên mặc dù có 4 mùa xuân, hạ, thu đông, thời tiết Hà Nội chủ yếu xoay quanh câu chuyện khô hay ẩm. Mùa đông khô hanh, lạnh buốt; mùa xuân se lạnh, nhưng có mưa phùn và độ ẩm cao; mùa hạ nóng ẩm với những cơn mưa rào nặng hạt nhiều ngày. Mùa thu, từ tháng 9 – 11 tiết trời dịu mát, khung cảnh nghiễm nhiên trở nên hiền hòa hơn, có lẽ là thời điểm thích hợp nhất để du lịch Hà Nội.
Phương tiện di chuyển
Nếu bạn ở Hà Nội thì có thể thong dong bằng xe đạp, xe máy… tuy nhiên bạn không thể áp dụng phương tiện vậy nếu như bạn ở xa Hà Nôi. Dưới đây là gợi ý nhỏ dành cho bạn.
Phương tiện di chuyển đến Hà Nội
Máy bay
Máy bay là phương tiện phù hợp đối với những du khách ở cách xa Hà Nội như miền Trung hay thậm chí miền Nam. Tất cả các hãng hàng không lớn đều có khai thác đường bay tới Hà Nội với mức giá và ưu đãi khác nhau. Giả dụ bạn bay từ TP.HCM vào Hà Nội, giá vé sẽ dao động từ 1.500.000đ – 2.300.000đ.
Tàu hỏa
Tương tự máy bay, tàu hỏa cũng dành cho hành khách ở xa, tuy nhiên lại giúp bạn giảm đi khá nhiều chi phí đi lại. Có các loại tàu SE2, SE4, SE6, SE8, TN2 cho bạn lựa chọn. Trong đó tàu SE4 chạy nhanh nhất, ước tính mất khoảng 30 giờ đồng hồ để tới nơi. Giá vé tàu SE4 dao động vào hơn 1.200.000đ (giường nằm TP.HCM – Hà Nội).
Xe khách
Một sự lựa chọn khác tiết kiệm hơn là bắt xe khách. Những cái tên uy tín cung cấp dịch vụ vận chuyển xe khách tuyến TP.HCM – Hà Nội phải kể đến hãng xe Hoàng Long, Mai Linh. Giá vé dao động từ 800.000 – 1.000.000đ với hơn 40h đồng hồ thời gian di chuyển.
Phương tiện di chuyển ở Hà Nội
Xe buýt
Cũng giống như bất cứ nơi nào, ở Hà Nội xe buýt là phương tiện công cộng được tin dùng nhờ lộ trình cố định, chi phí thấp. Bạn có thể tới bất kì điểm tham quan nào chỉ bằng một hoặc vài chuyến xe buýt. Lộ trình cụ thể từng tuyến xe đều được đăng tải trên trang chủ tổng công ty vận tải Hà Nội: http://transerco.vn/Default.aspx?pageid=253
Xe máy
Xe máy vẫn là phương tiện hợp lý nhất để đi lại quanh Hà Nội cả về chi phí lẫn việc chủ động giờ giấc. Một số điểm cho thuê xe máy tại Hà Nội bạn có thể tham khảo:
- Phùng Motorbike: 13 Ngõ Huyện, Hoàn Kiếm. SĐT: 0904 253491
- Phương Motor: 5 Hàng Thùng, Hoàn Kiếm. SĐT: 0904 222445
- Lộc Motorbike: 1096 Đường Láng, Đống Đa, Hà Nội. SĐT: 0948 339 222
- Anh Chiến: 21 ngõ 24, Kim Đồng, Hoàng Mai, Hà Nội. SĐT: 0947 503883
- Viettrails: 66 Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội. SĐT: 0966 90 2333
Xích lô
Dạo quanh phố cổ bằng xích lô là một nét độc đáo bạn nên thử trải nghiệm một lần. Những bác tài lái xích lô ở Hà Nội không chỉ thông thạo đường phố mà còn nổi tiếng thân thiện, hài hước. Thường thì bạn sẽ bắt gặp rất nhiều xe xích lô hoạt động trên khu vực phố cổ, nhất là bờ hồ Hoàn Kiếm. Giá của mỗi “cuốc” xích lô vào khoảng 50.000 – 100.000đ. Đương nhiên bạn có thể mặc cả xuống thấp hơn nếu muốn.
Nhà nghỉ, khách sạn, resort để nghỉ ngơi tại Hà Nội
Về vấn đề lưu trú, nghỉ ngơi, Thổ Địa có một số lời khuyên với các bạn. Nhà nghỉ, khách sạn ở Hà Nội thì có vô số, tuy nhiên bạn cần lựa chọn đâu là nơi phù hợp với lộ trình tham quan, cũng như túi tiền của bản thân.
Những khách sạn bình dân thường tập trung ở khu vực phố cổ, tuy đường phố hơi đông đúc, chật chội nhưng rất sầm uất, náo nhiệt. Một số khách sạn có mức giá dưới 500.000đ/phòng/đêm:
- Hanoi Discovery Hotel ở 22 Lương Ngọc Quyến, Quận Hoàn Kiếm, Phố Cổ, Hà Nội. Giá phòng mỗi đêm thấp nhất vào khoảng 230.000đ.
- Hanoi Downtown Hotel ở 3 Phố Hàng Phèn, Quận Hoàn Kiếm, Phố Cổ, Hà Nội. Giá phòng mỗi đêm thấp nhất từ 256.000đ
- Hanoi Fantasea Hotel ở 78B Hàng Nón, Phố Cổ, Hà Nội, Việt Nam. Giá phòng mỗi đêm thấp nhất từ 276.000đ.
- Hanoi Gate 1 Hotel ở 10 Thanh Hà, Chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Giá phòng mỗi đêm thấp nhất từ 374.000đ.
- Atrium Hanoi Hotel tại 32A Đào Duy Từ, Phố Cổ, Hà Nội. Giá phòng mỗi đêm thấo nhất từ 490.000đ.
Nếu bạn muốn trải nghiệm những gì cao cấp hơn, hãy ghé qua những khách sạn 3 sao trở lên như: Ecipse Legend Hotel, Apricot Hotel, Hanoi Daewoo …
Một kinh nghiệ du lịch Hà Nội rất hữu ích trong việc thuê phòng khách sạn là: đặt phòng qua các công ty du lịch hay trang đặt phòng trực tuyến như agoda sẽ giảm được nhiều chi phí so với đến trực tiếp.
Địa điểm tham quan du lịch Hà Nội
Hà Nội, trái tim của cả nước vậy nên sẽ có vô vàn những điểm tham quan đẹp. Bạn sẽ thực sự choáng ngợp về vẻ đẹp của Hà Nội. Cùng Thổ Địa đi qua một vài điểm tham quan không thể không đi nhé.
Hồ Hoàn Kiếm
Hồ Hoàn Kiếm (hay Hồ Gươm) là một danh thắng tự nhiên, di tích lịch sử và cũng được coi là biểu tượng của Hà Nội. Hồ có cái tên Hoàn Kiếm do gắn liền với truyền thuyết trả gươm thần cho rùa vàng của vua Lê Lợi. Ngoài ra, trên hồ còn có tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc và Tháp Bút tô điểm thêm nét cổ kính cho nơi đây. Khi tham quan hồ, bạn sẽ có những trải nghiệm khó quên, đặc biệt là khung cảnh cổ kính, diễm lệ khiến khách du lịch không thể không lấy máy ảnh ra lưu lại một vài hình ảnh nơi đây
Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Văn Miếu Quốc Tử Giám là một trong những quần thể di tích lịch sử văn hóa lâu đời nhất Hà Nội. Được xây dựng dưới thời vua Lý Thánh Tông, Văn Miếu đã trở thành nơi thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết Nho Giáo và người thầy đức cao vọng trọng của Việt Nam – Chu Văn An. Một công trình khác được xây dựng không lâu sau đó ngay bên cạnh Văn Miếu là Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
Trong suốt chiều dài lịch sử Đại Việt, nơi đây đã diễn ra các kì thi tuyển nhân tài từ khắp miền tổ quốc. Nối tiếp truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, ngày nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám thường xuyên là nơi trao học bổng, cũng như chốn mà các sĩ tử đến xin chữ, cầu may, đặc biệt là vào mùa thi cử và lễ tết.
Quảng trường Ba Đình
Nằm trong khu vực hoàng thành Thăng Long, gắn liền với cụm di tích chủ tịch Hồ Chí Minh, quảng trường Ba Đình là một địa danh nổi tiếng ghi dấu lịch sử hào hùng dân tộc. Tại đây, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa.
So với những địa điểm nổi tiếng khác, quảng trường Ba Đình ít có sự thay đổi nhất. Ngày ngày nơi đây vẫn là địa điểm tản bộ, tập thể dục quen thuộc của người dân Hà Nội với những nghi lễ kéo cờ, hạ cờ nghiêm trang.
Nhà thờ lớn Hà Nội
Là nhà thờ chính tòa của Tổng Giáo phận Hà Nội, nhà thờ Lớn cũng được xem như một trong những công trình kiến trúc phương Tây đầu tiên được xây dựng ở Hà Nội. Nhà thờ khởi công xây dựng vào năm 1886. Khu đất của nhà thờ trước đây vốn thuộc địa điểm chùa Báo Thiên – ngôi chùa trải qua 4 triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Một điều thú vị bạn sẽ nhận ra, khu vực nhà thờ thực chất lại là nơi tụ tập yêu thích của các bạn trẻ với vô số những quán vỉa hè xung quanh.
Hồ Tây
Nằm ở phía Tây Bắc trung tâm thành phố, Hồ Tây không chỉ là hồ tự nhiên lớn nhất Hà Nội mà còn là lá phổi xanh khó có thể thay thế. Hồ rộng hơn 500ha, đường vòng hồ lên tới 17km, từng được minh chứng là một đoạn đoạn của sông Hồng cũ. Hồ cũng là một trong những địa điểm lãng mạn nhất Hà Nội bởi vẻ đẹp của hoa cỏ, những gốc bằng lăng, phượng hồng, cái buồn man mác của không gian hòa quyện vào nhau.
Có lẽ cũng vì lí do đó mà không chỉ các đôi tình nhân, bất kì ai muốn tìm một góc lặng giữa cuộc sống đều tìm đến đây. Nếu bạn đi con đường quanh hồ sẽ bắt gặp ngôi làng cổ Nghi Tàm, nơi gìn giữ nhiều thú chơi tao nhã của người Hà Nội xưa như chim cảnh, bon sai … và đặc biệt là nhiều loại cây hoa đẹp.
Cầu Long Biên
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên nối liền sông Hồng với 2 quận Hoàn Kiếm và Long Biên. Cầu được khởi công năm 1899 và khánh thành năm 1902. Cầu được coi là chứng nhân cho bao sự kiện lịch sử bi tráng của Hà Nội khi chính bản thân nó cũng từng hứng chịu bao bom đạn của chiến tranh. Ngày nay mặc dù vai trò huyết mạch giao thông không còn, nhưng cây cầu vẫn ở đó, chứng biến biết bao sự chuyển mình của đất nước.
Chùa Một Cột
Chùa Một Cột là một công trình cổ với kiến trúc vô cùng độc đáo. Năm 1954, khi quân Pháp rút khỏi Hà Nội, đã đặt mìn phá hủy nơi đây. Tuy nhiên, Bộ Văn hóa Việt Nam đã trùng tu lại công trình theo đúng kiến trúc nguyên bản từ đời nhà Lý, một lối kiến trúc cổ độc đáo. Với hình tượng Lưỡng long chầu nguyệt trên mái ngói, ngôi chùa mang nhiều ý nghĩa, giá trị nhân văn và ước vọng của con người. Cho đến bây giờ, chùa Một Cột vẫn là điểm đến của phật tử gần xa, cũng như du khách trong và ngoài nước.
Hoàng Thành Thăng Long
Hoàng thành Thăng Long là công trình kiến trúc lớn được xây dựng dưới nhiều đời vua xuyên suốt giai đoạn lịch sử Việt Nam. Hoàng thành cũng đã trở thành di tích quan trọng bật nhất Việt Nam, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, cần được bảo tồn và gìn giữ.
Khi đến đây, du khách sẽ được tham quan những công trình kiến trúc nổi trên mặt đất, khu di tích khảo cổ học cũng như khu khảo cổ học số 18 Hoàng Diệu. Bên cạnh đó, một trong những nơi không thể bỏ qua khi tham quan Hoàng thành chính là Nhà D67, nơi đã đảm bảo cho Bộ chính trị hoạch địch chủ trương chỉ đạo thắng lợi giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Món ăn ngon nên thử tại Hà Nội
Phở
Người ta nói, đến Hà Nội mà chưa thưởng thức phở thì đúng là uổng phí cả chuyến đi. Phở Hà Nội gần gũi, bình dị nhưng cũng hàm chứa tinh hoa ẩm thực bao đời. Bởi lẽ vậy, quán phở ở Hà Nội rất nhiều, nhưng những hàng phở thứ thiệt lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phở Thìn, phở Bát Đàn, phở Sướng, phở bưng … đều là những thương hiệu phở hàng đầu Hà Nội. Điều đáng nói là mỗi quán có một cách chế biến riêng, khiến món phở trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết.
Phở Thìn, nhất là phở Thìn Lò Đúc chỉ có duy nhất một loại tái lăn, nước dùng béo, không trong nhưng đậm đà, hành để nguyên cả cọng.
Phở Bát Đàn được cho là loại phở Hà Nội truyền thống nhất, nước dùng hơi mặn, dùng dấm trắng không tỏi để tạo độ chua (theo nguyên lí phở Hà Nội xưa).
Phở Sướng Đinh Liệt thì khác biệt so với các quán phở khác là nhờ vị ngọt thanh của nước dùng. Nước dùng trong veo, có màu vàng nhạt, vị ngọt dịu nhưng không hề ngấy. Đúng là chỉ ngửi thôi đã sướng rồi.
Phở bưng Hàng Trống là quán phở duy nhất mà khách đến ăn phải vừa bưng bát phở vừa ăn. Mặc dù nhọc là vậy, nhưng hầu hết những người được thưởng thức một lần đều thấy bõ cái công xoay xở với bát phở nóng bỏng tay.
Bún chả
Cũng giống như phở, bún chả cũng là món ăn quen thuộc từ lâu đã đi vào cuộc sống của người dân đất Hà Thành. Một phần bún chả đầy đủ bao gồm: bún, chả miếng (thịt ba chỉ nướng), chả viên (thịt băm viên nướng), nước chấm, dưa góp, các loại rau sống. Vì đặc tính lạnh của bún, khi ăn, nước chấm cần phải đun ấm, cho chả và dưa góp vào cùng. Ngoài ra người ta còn ăn bún chả cùng với nem cua bể, cũng là một sự kết hợp thú vị, rất ngon miệng. Gợi ý quán bún chả ngon: bún chả Hương Liên – Lê Văn Hưu, bún chả Đắc Kim – Hàng Mành, bún chả Duy Diễm – Ngọc Khánh.
Bún thang
Bún thang là một món quà bún có hương vị thanh đạm, bình dị mang đậm phong cách ẩm thực Hà Thành. Thành phần chính của món bún thang gồm: thịt gà xé nhỏ, trứng gà rán mỏng thái chỉ, ruốc tôm he, giò lụa, củ cải muối, tinh dầu cà cuống … Nguồn gốc của món bún thang chính từ những thức ăn còn dư lại sau Tết.
Mỗi thứ một ít, gom lại, như một thang thuốc vậy, nên mới gọi là bún thang. Mặc dù ngày nay, bún thang đã trở nên đại trà, không còn là món ăn sau tết, nhưng hương vị thanh đạm của món bún vẫn không hề thay đổi. Nếu có dịp tới Hà Nội, bạn đừng quên ghé qua một hàng ăn để thưởng thức món bún tuyệt vời này.
Chả cá Lã Vọng
Không chỉ là món ăn ngon ở Hà Nội, Chả cá Lã Vọng còn được giới thiệu với những người bạn quốc tế như một trong biểu tượng của ẩm thực Việt Nam. Chả được làm từ cá lăng hoặc cá quả, tẩm ướp với riềng, các loại gia vị, thìa là, hành củ. Món chả cá này ăn kèm với bún, chấm với mắm tôm pha chanh đường quả thật ngon hết xẩy. Một trong những quá chả cá Lã Vọng ngon nhất nằm trên phố Chả Cám bạn có thể ghé qua thưởng thức nếu tới Hà Nội.
Bánh cuốn Thanh Trì
Người Hà Nội có rất nhiều món quà sáng ngon, nhưng người ta lại nhớ đến bánh cuốn nhiều hơn bởi sự đơn giản nhưng tinh tế – một nét duyên dáng trong ẩm thực Hà Thành. Sở dĩ người ta mê bánh cuốn làng Thanh Trì đến vậy là vì đọ trắng trong, dẻo, thơm, nguyên vẹn của những lớp bánh thật sự tuyệt hảo. Bánh cuốn Thanh Trì vốn chỉ ăn kèm với nước chấm, rau thơm.
Ngày nay, bánh cuốn đa dạng hơn với mộc nhĩ, trứng, ruốc tôm, trứng cùng chả quế ăn kèm. Tuy có khác biệt nhưng chắc chắn độ ngon thì không hề suy giảm. Một số hàng bánh cuốn ngon bạn có thể chọn: 26 Đào Duy Từ, 68 Hàng Cót …
Mua sắm quà khi đi du lịch Hà Nội
Cốm
Chắc hẳn bạn đã từng nghe cốm là đặc sản số một của Hà Nội. Cốm thực ra là một loại thức ăn làm từ lúa nếp chín. Sau những quá trình rang, sàng sảy cho hết trấu, ta sẽ được những hạt cốm dẻo thơm. Những sản phẩm từ cốm có thể kể đến cốm tươi, cốm xào, bánh cốm … Theo kinh nghiệm du lịch Hà Nội trong việc chọn quà, cốm tươi tốt nhất nên mua ở Làng Vòng, Dịch Vọng Hậu. Cốm xào nên ra Đinh Liệt, giao Hàng Bạc là ngon nhất. Còn bánh cốm tốt nhất nên ra dốc Hàng Than có rất nhiều cửa hàng bánh cốm lâu năm.
Trà sen Hồ Tây
Trong các món quà đất Hà Thành, có lẽ trà sen là món quà không phải ai cứ có tiền là mua được. Trong đó, trà sen Hồ Tây được coi là hàng thượng phẩm. Lí do chủ yếu là vì người làm trà sen phụ thuộc rất nhiều vào các chủ đầm sen Hồ Tây. Mà thứ trà này chỉ ướp bằng sen Hồ Tây mới cho ra hương vị đặc trưng. Vì vậy, giá trà sen Hồ Tây luôn ở mức hàng triệu đồng/kg. Gợi ý: phố Hàng Điếu thường bày bán trà sen Hồ Tây.
Ô mai
Đã từ lâu, ô mai Hà Nội nổi tiếng với chất lượng thơm ngon, giá cả phải chăng, đa dạng chủng loại. Không chỉ có vậy, những túi ô mai rất dễ cho vào vali, thuận tiện trong hành trình. Để mua về những cân ô mai làm quà cho bạn bè và gia đình, Thổ Địa gợi ý bạn nên ghé qua chuỗi cửa hàng ô mai Hồng Lam, hoặc dạo quanh phố Hàng Đường – con phố buôn bán ô mai.
Gốm sứ Bát Tràng
Nằm cách Hà Nội không xa, làng gốm Bát Tràng chính là một trong những nơi sản xuất gốm lớn nhất miền Bắc. Đồ gốm Bát Tràng không chỉ có mẫu mã đẹp, độ bền cao mà giáo cũng không quá đắt, chỉ từ vài chục nghìn cho một sản phẩm. Ngoài ra, bạn cũng có thể được những nghệ nhân ở đây hướng dẫn cách tự tạo một món đồ gốm cho riêng mình.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Đà Lạt tự túc A-Z